Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Yêu cầu cấp thiết ban hành Thông tư quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa

02/06/2023

Việc ban hành Thông tư quy định, kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tại Hội thảo khoa học: “Góp ý dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ” diễn ra sáng 2/6 tại TP.HCM.

Chương trình còn có sự tham gia của bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ông Nguyễn Thành Hiển - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá miền Nam…, đại diện một số bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu khai mạc chương trình
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu khai mạc chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, để thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường... việc ban hành Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là phù hợp và rất cần thiết.

Thời gian vừa qua, Tổng cục TCĐLCL đã rà soát, tổng hợp ý kiến các địa phương về việc đánh giá những thuận lợi, khó khăn sau 10 năm thực hiện Thông tư và dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung sau khi Thông tư được ban hành, xây dựng dự thảo Thông tư thay thế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho biết, hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Trung ương và địa phương nhằm đảm bảo các văn bản được ban hành sẽ áp dụng khả thi và có hiệu quả trên thực tế. Những ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo các văn bản trước khi trình Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ.

Tại hội thảo, bà Cao Thị Bích Hà cho biết, Thông tư quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý chất lượng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập.

Việc góp ý dự thảo Thông tư sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Bà Cao Thị Bích Hà đã nêu những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nhằm phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của đất nước nói chung và công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của cơ quan quản lý nói riêng được thuận lợi hơn. 

Theo đó, bố cục của dự thảo Thông tư được chia thành 05 Chương, 15 Điều, cụ thể: Chương 1: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương 2: Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra (từ Điều 6 đến Điều 8); Chương 3: Xử lý vi phạm (từ Điều 9 đến Điều 10); Chương 4: Tổ chức thực hiện (từ Điều 11 đến Điều 13); Chương 5: Điều khoản thi hành (từ Điều 14 đến Điều 15); Phụ lục: Gồm 14 mẫu biểu.

Bà Cao Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chia sẻ tại hội thảo.
Bà Cao Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chia sẻ tại hội thảo.

Đáng chú ý, trong chương 2 điều 7 mục 4 Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nêu rõ:

Trong quá trình kiểm tra tại cơ sở sản xuất, khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng thì lấy mẫu sản phẩm để thử nghiệm. Việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chất lượng được thực hiện như sau: 

a) Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp không có quy định về phương pháp lấy mẫu thì lấy mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên, đảm bảo mẫu là đại diện cho lô sản phẩm; Mỗi mẫu được chia làm hai đơn vị mẫu, một đơn vị mẫu đưa đi thử nghiệm và một đơn vị lưu tại cơ sở được kiểm tra. 

b) Căn cứ phương pháp thử đối với sản phẩm, đoàn kiểm tra lấy mẫu đảm bảo số lượng sản phẩm để thử nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và yêu cầu kiểm tra; 

c) Mẫu sản phẩm sau khi lấy phải được niêm phong (theo Mẫu 4.TNPM - phần Phụ lục kèm theo Thông tư), lập biên bản (theo Mẫu 3.BBLM - phần Phụ lục kèm theo Thông tư) có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu. Trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký vào biên bản lấy mẫu và niêm phong mẫu thì đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản: “đại diện cơ sở không ký vào biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”, biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu có chữ ký của người lấy mẫu, chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý; 

d) Lưu mẫu: Cơ sở được kiểm tra có trách nhiệm lưu mẫu do đoàn kiểm tra lấy mẫu và bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết để không làm ảnh hưởng đến tính chất ban đầu của mẫu lưu theo yêu cầu. Sau khi có kết quả thử nghiệm mẫu, nếu phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, cơ quan kiểm tra thông báo cho đơn vị được kiểm tra để xử lý mẫu lưu.

Như vậy, mỗi mẫu được chia là hai đơn vị mẫu, một đơn vị mẫu đưa đi thử nghiệm và một đơn vị lưu tại cơ sở kiểm tra. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp, đồng thời lưu mẫu tại nơi sản xuất, cơ sở kiểm tra sẽ bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cần thiết để không làm ảnh hưởng đến tính chất ban đầu của mẫu lưu theo yêu cầu.

Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội liên quan cùng lãnh đạo doanh nghiệp.
Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội liên quan cùng lãnh đạo doanh nghiệp.

Tại hội thảo, bà Cao Thị Thu Hà cho hay, việc xử lý hàng hóa vi phạm trong quá trình kiểm tra có những dự thảo mới phù hợp với tình hình thực tiễn.

Cụ thể, tại chương 3 điều 10 chỉ rõ, trường hợp kết quả thử nghiệm hoặc có bằng chứng khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì xử lý như sau: 

a) Lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về chất lượng; 

b) Lập biên bản niêm phong (theo Mẫu 7.BBNP – phần Phụ lục kèm theo Thông tư) và niêm phong lô sản phẩm không phù hợp tại nơi sản xuất, kho hàng (theo Mẫu 8.TNPSP – phần Phụ lục kèm theo Thông tư) đồng thời đề nghị Thủ trưởng Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra thông báo tạm đình chỉ sản xuất, lưu thông sản phẩm không phù hợp  (theo Mẫu 6.TBĐCSX-  phần Phụ lục kèm theo Thông tư), yêu cầu cơ sở sản xuất thông báo cho các bên liên quan thu hồi, xử lý, khắc phục sản phẩm không phù hợp đã được đưa ra thị trường. 

c) Cơ sở sản xuất chỉ được tiếp tục sản xuất sau khi đã thực hiện khắc phục, chấp hành việc xử lý, đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra để cơ quan kiểm tra tiến hành tái kiểm tra.

c1) Trường hợp kết quả kiểm tra, thử nghiệm phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, cơ quan kiểm tra ra thông báo sản phẩm được tiếp tục sản xuất, lưu thông (theo Mẫu 9.TBTTSX  –  phần Phụ lục kèm theo Thông tư). 

c2) Trường hợp kết quả kiểm tra, thử nghiệm không phù hợp, người sản xuất có văn bản đề xuất biện pháp khắc phục tiếp theo đối với sản phẩm hàng hóa vi phạm và phải được sự chấp thuận của cơ quan kiểm tra theo quy định pháp luật.

d) Trường hợp người sản xuất thực hiện việc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người sản xuất phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan về việc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm. 

e) Trường hợp cơ sở sản xuất nghi ngờ kết quả thử nghiệm mẫu, trong 01 ngày làm việc sau khi có thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt có công văn gửi cơ quan kiểm tra xem xét việc thử nghiệm mẫu lưu tại cơ sở được kiểm tra.

e1) Trường hợp mẫu lưu còn nguyên niêm phong, nguyên trạng cơ quan kiểm tra sẽ mã hóa lại mẫu (theo Mẫu 12 – BBMHM Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư) và gửi thử nghiệm ở một tổ chức thử nghiệm khác đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Kết quả thử nghiệm mẫu lưu là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng về sự phù hợp/không phù hợp của hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. 

e2) Trường hợp mẫu lưu không còn nguyên niêm phong, nguyên trạng hoặc tem niêm phong bị bong, rách... hoặc có bằng chứng về sự can thiệp đối với mẫu lưu hoặc điều kiện lưu mẫu không đảm bảo thì không thử nghiệm mẫu lưu. Cơ quan kiểm tra căn cứ kết quả thử  nghiệm lần đầu để kết luận về sự phù hợp/không phù hợp của hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Các chi phí liên quan đến thử nghiệm, khắc phục, tái chế, thử nghiệm lại mẫu lưu do người sản xuất chi trả.

Các đại biểu đại diện doanh nghiệp trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
Các đại biểu đại diện doanh nghiệp trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội thảo.
 

Bà Cao Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh, các chi phí liên quan đến công tác thử nghiệm, khắc phục, tái chế, thử nghiệm lại mẫu lưu sẽ do người sản xuất chi trả.

Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 2/6 tại TP.HCM.
Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 2/6 tại TP.HCM.

Thảo luận tại hội thảo, Lãnh đạo và đại biểu đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra những ý kiến bổ sung, thắc mắc nhằm góp phần hoàn thiện thông tư sắp tới. 

Nguồn VietQ.